Diễn đàn sư phạm Yên Bái
Khách viếng thăm sẽ rất thiệt thòi đấy!!! Đăng nhập để chia sẻ... Ghi danh để yêu thương... ^^
Diễn đàn sư phạm Yên Bái
Khách viếng thăm sẽ rất thiệt thòi đấy!!! Đăng nhập để chia sẻ... Ghi danh để yêu thương... ^^
Change background image
Diễn đàn sư phạm Yên Bái

Kết nối cộng đồng sư phạm Online

wWw.GiaoVienYenBai.7Forum.Net - Kết Nối Cộng Đồng Sư Phạm Online

Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

#1So sánh hình tượng thiên nhiên trong thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ EmptySo sánh hình tượng thiên nhiên trong thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ 18/4/2012, 09:52
Đang xem:In total there is 0 user online :: 0 Registered, 0 Hidden and 0 Guests

rongbay
rongbay
rongbay

Tôi là thuyền trưởng của cuộc đời tôi

Chia sẻ bài viết: ----------------------------
I. GIỚI THIỆU CHUNG


Lí Bạch và Đỗ Phủ là hai ngôi sao sáng của thơ Đường. Mỗi người một vẻ, người này không làm giảm mất giá trị của người kia; tên hai người đã gắn chặt với nhau, làm cho khi nhắc đến người này ta không thể không nhắc đến người kia. Có thể nói thơ của hai người gộp lại mới nói lên được đầy đủ tâm hồn người Trung Quốc thời ấy. Chúng ta sẽ nói về điều này qua việc đối sánh hình tượng thiên nhiên trong thơ của hai ông. Cái độc đáo và thành công của mỗi nhà thơ Đường chính là phải tìm ra những cái hết sức mới, những cái không lặp lại trong vốn đề tài thơ ca cũ kĩ và nghèo nàn. Ví như đề tài thiên nhiên trong thơ Đường: chỉ có một đề tài như vậy nhưng có biết bao cơ man nào là những bài thơ viết về nó, dường như, các nhà thơ trung đại hễ làm thơ Đường là sẽ nhất định có ít nhiều bài viết về đề tài này, nếu không có sáng tạo của riêng mỗi người thì liệu ta có thể có được một kho tàng Đường thi phong phú và giàu màu sắc về mảng đề tài này như ta còn thấy đến nay?

Thiên nhiên trong thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ cũng phản ánh sự sáng tạo ấy, và chính điều đó đã giúp họ thành công và bước lên đỉnh cao vinh dự: ba đỉnh cao của giai đoạn thơ ca phát triển bậc nhất thơ ca cổ Trung Quốc – thời Đường. Trong nguồn chung là dòng chảy của đề tài thiên nhiên trong thơ Đường, họ không bị hòa lẫn, tan biến mà họ đã tạo ra được dòng riêng của chính mình, để đến nay, người Trung Quốc nói riêng và những ai yêu thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ nói chung có quyền tự hào về những sáng tác thành công cả về nội dung và nghệ thuật của hai người nói chung và trong mảng đề tài này nói riêng.

Cần phải giới thuyết rằng, ở đây, ta đối sánh thiên nhiên trong thơ của Lí Bạch và Đỗ Phủ trên những nét đại thể, cơ bản, ta không bàn đến các trường hợp dị biệt, ví dụ như khi nói đến vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Đỗ Phủ mang tính chất bình dị thì không có nghãi là thiên nhiên trong thơ ông không có những bài ngược lại nhưng do những bài đó không tiêu biểu nên ta không bàn đến. Cần lưu ý suốt bài viết này là ta chỉ xem xét ở những nét, những khía cạnh thuộc về tiêu biểu, cơ bản nhất.

II. HÌNH TƯỢNG THIÊN NHIÊN TRONG THƠ LÍ BẠCH VÀ ĐỖ PHỦ


1. ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

A. THIÊN NHIÊN TRONG THƠ HAI ÔNG ĐỀU LÀ PHƯƠNG TIỆN THỂ HIỆN CẢM XÚC CỦA TÁC GIẢ (THEO BÚT PHÁP TẢ CẢNH NGỤ TÌNH)


Tả cảnh ngụ tình vốn là bút pháp nghệ thuật hết sức quen thuộc trong văn học trung đại Trung Quốc và Việt Nam. Đến nay không ai có thể trả lời được rằng bút pháp này được hình thành từ bao giờ nhưng ta thấy rõ biểu hiện của nó ở chỗ nó thường dùng những hình ảnh, hiện tượng thiên nhiên để thể hiện tâm trạng của chủ thể cảm nhận, quan sát những hình ảnh, hiện tượng ấy và bất kì điều gì, khi qua lăng kính cảm nhận của mỗi con người thì đều mang dấu ấn chủ quan của riêng họ như Nguyễn Du đã từng viết rất hay: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Trong thơ ca trung đại Trung Quốc nói chung và thơ Đường nói riêng, bút pháp nghệ thuật này được sử dụng hết sức phổ biến, có lẽ là do ảnh hưởng của quan niệm triết học “Thiên nhân nhất thể” rất phổ biến trong thời trung đại ở Trung Quốc. Và tác dụng lớn nhất của nó mà ai cũng có thể cảm nhận được đó chính là làm cho cảnh và tình trong mỗi bài thơ hòa quyện với nhau, làm cho mỗi bài thơ có hồn và tinh tế, hàm súc hơn, và cũng có lẽ vì vậy đọc thơ Đường ta không thể lười biếng mà phải đồng sáng tạo cùng tác giả để hiểu rõ những giá trị của mỗi bài thơ.

Trở lại với thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ, ta nhận thấy những hình ảnh thiên nhiên được miêu tả trong mỗi bài thơ chính là phương tiện để thể hiện cảm xúc của chính tác giả, hay nó được sử dụng theo lối tả cảnh ngụ tình như ta đã nói ở trên.

“Tình” [ ] có hai nghĩa là tình cảm, tâm trạng và ý riêng, đọc những bài thơ của hai nhà thơ nổi tiếng này, ta cũng cần hiểu chữ tình với ý nghĩa như vậy. Và như vậy tả cảnh ngụ tình có nghĩa là dùng cảnh để thể hiện tình cảm, tâm trạng và thể hiện dụng ý riêng của chính chủ thể.

Lí Bạch là một nhà thơ có tính cách phóng khoáng, lãng mạn nên trong thơ ông, ta gặp rất nhiều những hình ảnh thiên nhiên thể hiện điều đó, ông thường chọn những hình ảnh thiên nhiên hùng tráng để ngầm thể hiện tính cách của mình. Thể hiện rõ nhất qua hình ảnh những thác nước hết sức mạnh mẽ, phóng khoáng không chịu bó buộc mà ông đã nhiều lần nói đến, ví dụ bài “Vọng Lư Sơn bộc bố” (Xa ngắm thác núi Lư), tác giả viết:

“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

Dịch là:

Nắng chiếu Hương Lô sinh ra khói tía

Xa trông thác treo trước dòng sông

Nước bay thẳng xuống ba ngàn thước

Tưởng là Ngân Hà tuột khỏi chín tầng trời cao. Lí Bạch cũng hay dùng thiên nhiên để nói lên nỗi lòng tâm sự của mình, trong bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo nhiên đi Quảng Lăng), ông viết:

“Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”

(Hình ảnh cánh buồm cô độc xa mãi (nhập vào) màu xanh vô tận

Chỉ nhìn thấy mỗi dòng Trường Giang (chảy như) cắm thẳng vào chân trời). Ở đây, hình ảnh cánh buồm cô độc “cô phàm” mất hút vào màu xanh không tận của trời, của nước chính là hình ảnh thể hiện nỗi cô độc của chính tác giả khi đưa tiễn người “cố nhân” thân thiết của mình đi về một nơi xa xôi. Ta còn gặp lại điều này qua rất nhiều bài thơ khác như: “Lao Lao đình”, “Văn Vương Xương Linh tả thiên Long Tiêu dao hữu thử kí”, “Tống Trương xá nhân chi Giang Đông”…

Trong thơ Đỗ Phủ, hình ảnh thiên nhiên được miêu tả cũng nhằm thể hiện rõ dụng ý và tâm trạng của chính tác giả. Ta lấy ví dụ qua hai bài thơ tiêu biểu của ông đó là bài “Thu hứng” (Kì nhất) và bài “Nguyệt dạ”.

Ở bài “Thu hứng”, hình ảnh khóm cúc nở ra hoa nước mắt, hình ảnh con thuyền mãi ràng buộc tấm lòng mình với nơi vườn cũ đã được tác giả xây dựng khéo léo nhằm thể hiện nỗi lòng đau xót của kẻ tha hương và tấm long mong ngóng, khắc khoải nhớ về quê hương của mình. Vì đau đớn nên nhìn khóm cúc trước nhà nở những bông hoa của năm nay mà như nó đang khóc dòng lệ cũ mãi tuôn chảy từ năm trước: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ” (Khóm cúc nở lần thư hai dòng lệ của ngày trước); vì khắc khoải nhớ quê, vì cuộc đời lưu lạc nên ông hình dung con thuyền cũng như cô độc và đang đau đáu nhớ về nơi “cố viên” – quê nhà: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền cô độc vẫn mãi ràng buộc bởi tấm lòng hướng về vườn cũ). Hình ảnh con thuyền cô độc ở đây còn là gì nếu không là sự hóa thân của tâm sự trong lòng tác giả? Tương tự như vậy, trong bài thơ “Đăng cao”, tiếng vượn kêu sầu, tiếng gió dữ dội, hình ảnh rừng cây xào xạc trút lá…là gì nếu không là nỗi lòng đau khổ của chính ông. Từ nỗi lòng đau đớn mà ông mới thấy gió gào thét, vượn kêu sầu nỉ non,…

Trong bài “Nguyệt dạ”, hình ảnh những giọt sương sa làm ướt đẫm mái tóc, hình ảnh ánh trăng chiếu làm lạnh cánh tay người vợ trong hình dung của tác giả:

“Hương vụ vân hoàn thấp

Thanh huy ngọc tí hàn”

(Sương móc đượm mùi hương làm ướt tóc mây

Ánh trăng thanh làm lạnh cánh tay ngọc (của nàng)) chính là những hình ảnh ngầm thể hiện nỗi niềm nhớ thương của tác giả đối với người vợ của mình trong xa cách, li biệt một cách khéo léo, tác giả đã không nói ra một cách trực tiếp tình cảm ấy mà đã dùng thủ pháp đồng nhất hóa, đặt mình vào khung cảnh thiên nhiên, hình dung ra cảnh người vợ của mình đang ngóng chờ mình ở nơi xa mà sương đêm làm ướt mái tóc mây, ánh trăng làm lạnh cánh tay của nàng. Đây chính là cái độc đáo trong cách thể hiện tình cảm của tác giả bằng những hình ảnh thiên nhiên được dùng một cách sáng tạo.

B. THIÊN NHIÊN TRONG THƠ HAI ÔNG ĐỀU CÓ HÌNH ẢNH THIÊN NHIÊN MANG TÍNH MĨ LỆ, ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG NHỮNG THỦ PHÁP QUEN THUỘC CỦA THƠ ĐƯỜNG

Tính mĩ lệ chính là đặc trưng lớn của thơ Đường, điều đó thể hiện một phần qua việc các hình ảnh thiên nhiên được dùng trong các bài thơ là những hình ảnh thiên nhiên đẹp. Trong thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ, ta thấy rõ điều đó.

Trong thơ Lí Bạch, ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh thiên nhiên đẹp và đầy sức sống như: trăng (Quan sơn nguyệt, Tĩnh dạ tư, Nga Mi sơn nguyệt ca, Cung trung hành lạc, Bả tửu vấn nguyệt,…), cỏ non, liễu biếc mùa xuân (Xuân tứ, Lao Lao đình, Vọng Hán Dương liễu sắc kí Vương Tể,…), hình ảnh những bức tranh cảnh thiên nhiên rất sống động và tươi đẹp trong mối tương giao hòa hợp với con người (Giang thượng ngâm, Dạ bạc ngưu chử, Độc tọa kính đình sơn, Thu phố ca, Anh Vũ châu,…). Bài “Xuân tứ” là bức tranh xuân tươi đẹp, thanh khiết với:

“Yên thảo như bích ti

Tần tang đê lục chi”

(Cỏ nước Yên như tơ xanh biếc

Dâu nước tần xanh cành thấp). Bài “Thu phố ca” (bài số 14)là bức tranh thiên nhiên có sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên một cách hài hòa:

“Lô hỏa chiếu thiên địa

Hồng tinh loạn tử yên

Noãn lang minh nguyệt dạ

Ca khúc động hàn xuyên”

Dịch nghĩa:

Lò lửa chiếu trời đất

Đốm lửa bắn tung trong làn khói tím

Chàng thợ đúc trong đếm trăng sáng

Hát khúc ca làm rung động cả dòng sông lạnh

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực, cuộc đời luôn đau khổ cho đến lúc từ giã cõi trần nhưng thơ ông cũng không phải là không có những bài tả cảnh thiên nhiên rất nên thơ nên họa, ví như: Giang bạn độc bộ tầm hoa (bài thứ 6), Tuyệt cú (bài số 3 trong chùm thơ 4 bài), Tuyệt cú (bài số 3 trong chùm 6 bài)…Trong “Giang bạn độc bộ tầm hoa” (Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông), tác giả đã vẽ lại một bức tranh xuân tươi đẹp với muôn ngàn đóa hoa nở tạo thành những cành hoa hết sức sống động:

“Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê

Thiên đóa, vạn đóa áp chi đê”

(Cạnh nhà cô Tứ hoa đầy lối

Ngàn đóa muôn bông ép trĩu cành). Hai bài “Tuyệt cú” thực sự là những bức trang tuyệt sắc trong muôn vàn những bức tranh thiên nhiên đượm vẻ buồn trong thơ Đỗ Phủ:

“Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu

Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên

Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết

Môn bạc đông Ngô vạn lí thuyền”

Dịch thơ:

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc

Một hàng cò trắng vút trời xanh

Ngàn năm tuyết núi song in sắc

Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình

(Bài số 3 trong chùm 3 bài)

Và:

“ Tạc tỉnh giao tông diệp

Khai cừ đoạn trúc căn

Thiên chu khinh diểu lãm

Tiểu kính khúc thông thôn”

Dịch thơ:

Chân suối mưa rào lướt

Lưng cây bóng xế lồng

Oanh vàng gù cách tổ

Cá trắng nhảy tung rong

(Bài số 3 trong chùm 6 bài)

Ngoài ra, ta còn thấy, cảnh thiên nhiên trong thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ đều được thể hiện qua cái nhìn quen thuộc của thơ Đường: cảnh được nhìn từ xa lại, ví như:

Ở bài “Vọng Lư Sơn bộc bố” (Lí Bạch): vì hình ảnh thác nước núi Lư được tác giả nhìn từ xa lại mà miêu tả:

“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” (Xa trông dòng thác treo trước sông) nên mới thấy rõ:

“Phi lưu trực há tam thiên xích” (Dòng chảy lao thẳng xuống từ ba nghìn thước)

Ở bài “Thu hứng” (Đỗ Phủ): Cảnh được tác giả nhìn từ xa lại để vẽ cho nên ông nhận thấy rõ: Sương móc làm tiêu điều cả rừng cây phong, trên cửa ải mây sa sầm xuống mặt đất, dưới long sông sóng vọt thẳng lên trời…):

“Rừng phong tiêu điều bởi sương móc

Vu Sơn, Vu Giáp khí mịt mờ

Giữa dòng sóng vọt lên trời thẳm

Trên ải sa sầm đất nối mây”

Cảnh được nhìn từ trên cao xuống, ví dụ các bài: “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài” (Lí Bạch), “Đăng cao” (Đỗ Phủ).

Ở bài “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài”, khi ông lên đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng, ở trên cao ông nhìn ra xung quanh và thấy:

“…Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại

Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu

Tổng vị phù vân năng thiên tế nhật

Trường An bất kiến sử nhân sầu”

Dịch thơ:

“Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa

Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi

Chỉ vì mây nổi che vầng nhật

Chẳng thấy Trường An khiến lòng buồn”

Ở bài “Đăng cao”, khi lên cao, nhìn cảnh vật xung quanh, tác giả thấy một màu bi thương bao trùm cảnh vật:

“Gió thét, trời cao, vượn kêu sầu

Bến trong, cát trắng, chim bay về

Vô bờ xào xạc lá rụng đầy…”

Cảnh trong thơ cũng không được vẽ bằng nhiều chi tiết mà chỉ dùng cách chấm phá lấy hồn của cảnh vật: “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” (Lí Bạch), “Tuyệt cú” (Đỗ Phủ).

Ở bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, cảnh chia li được khắc họa qua một số hình ảnh tiêu biểu: khói sóng trên sông, màu xanh biếc của nước mây, và hình ảnh cánh buồm cô độc. Bài “Tuyệt cú”, cảnh mùa xuân được khắc họa chỉ với hình ảnh rặng liễu có đôi chim oanh, hàng cò bay và chiếc thuyền đi trên sông. Chỉ có vậy nhưng một bức tranh xuân tươi đẹp đủ màu sắc, hình ảnh đữ được dựng lên:

“Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc

Một hàng cò trắng vút trời xanh

Ngàn năm tuyết núi song in sắc

Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình”

Trên đây, ta đã điểm qua một số nét tương đồng trong hình ảnh thiên nhiên được xây dựng trong những sáng tác của hai nhà thơ bậc nhất đời đường: Lí Bạch và Đỗ Phủ. Nói như vậy không có nghĩa là hai nhà thơ này có những điểm trùng lặp nhau về sáng tác, mà điều đó xuất phát từ nền chung, cảm hứng, thi pháp chung của thơ Đường giai đoạn này.

2. ĐIỂM DỊ BIỆT

Như trên đã nói, Lí Bạch và Đỗ Phủ là hai mảnh ghép không thể tách rời của tâm hồn người Trung Quốc, của thơ ca đương thời. Điều đó có được là do sự khác biệt của hai ông về phong cách sáng tác của mình, một người đi theo khuynh hướng lãng mạn xuất phát từ tính cách phóng túng của mình còn một người đi theo khuynh hướng hiện thực, trung thành phản ánh hiện thức một cách sinh động và sâu sắc. Ta sẽ tìm hiểu điều đó qua việc chỉ ra sự khác biệt trong các hình ảnh thiên nhiên trong thơ của hai ông.

A. THIÊN NHIÊN TRONG THƠ LÍ BẠCH LÀ TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ LÃNG MẠN, LUÔN ĐI TÌM CÁI ĐẸP.

Lí Bạch là nhà thơ lãng mạn, một con người có tính cách phóng túng, luôn khao khát đi tìm cái đẹp, hóa thân vào cái đẹp để thể hiện tâm hồn mình, đặc biệt là hóa thân vào những cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, vì vậy, thiên nhiên trong thơ ông là những hình ảnh thiên nhiên hết sức tươi đẹp, hùng vĩ, phóng khoáng, là hóa thân của bản thể trữ tình trong tâm hồn tác giả. Là một vị “trích Tiên”, hình ảnh thiên nhiên trong thơ ông cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của tư tưởng Đạo giáo.

THỨ NHẤT LÀ: THIÊN NHIÊN TRONG THƠ LÍ BẠCH CHỦ YẾU LÀ THIÊN NHIÊN TƯƠI ĐẸP.

Điều này thể hiện trong sáng tác của ông ở tất cả các giai đoạn sáng tác khác nhau. Nhà thơ thường chú ý miêu tả, khắc họa một cách tinh tế cái đẹp của cảnh thiên nhiên. Cảnh thiên nhiên trong thơ ông luôn tươi sáng, đẹp rạng ngời, ngay cả những bài thơ thuộc đề tài tiễn biệt vốn là đề tài không mấy vui vẻ trong thơ Đường.

Trong bài thơ “Phỏng Đới Thiên Sơn đạo sĩ bất ngộ” (Thăm Đới Thiên Sơn đạo sĩ không gặp), ông đã dựng lên khung cảnh tươi đẹp của một nơi rừng núi thanh khiết như sau:

“Khuyển phệ thủy thanh trung

Đào hoa đới lộ nùng

Thụ thâm thì kiến lộc

Khê ngọ bất văn chung

Dã trúc phân thanh ái

Phi tuyền quải bích phong

Vô nhân tri sở khứ

Sầu ỷ lưỡng tam tùng”

Dịch thơ :

Chó sủa hòa tiếng suối

Hoa đào thắm dưới mưa

Bóng hươu trong cây rậm

Chuông bặt giữa khe trưa

Trúc hoang cách sương biếc

Núi tím, suối đong đưa

Thầy đi đâu chẳng biết

Tựa thông đứng thẫn thờ.

Các bài thơ: “Tảo phát Bạch Đế thành”, “Thu phố ca”, “Thái liên khúc”, “Vọng Thiên Môn sơn”, “Vọng Hán Dương liễu sắc kí Vương Tể”… cũng là những bài thơ xây dựng được những hình ảnh thiên nhiên hết sức tươi đẹp, thể hiện rõ phong cách thơ Lí Bạch.

Xưa nay, đề tài chia li trong thơ ca thường buồn, thơ Đường cũng không ngoại lệ, những sáng tác của Lí Bạch cũng vậy nhưng có điều là nó có cách thể hiện khác so với những nhà thơ khác, dù chia lí nhưng khung cảnh chia li trong thơ ông không buồn rầu, ảo não quá như những nhà thơ khác mà trái lại, dù viết về đề tài tống biệt, chia li nhưng tác giả thường dùng những hình ảnh thiên nhiên đẹp để làm nền cho buổi tiễn đưa, ví dụ các bài: “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, “Tống Trương xá nhân cho Giang Đông”, “Tống hữu nhân”, “Tống hữu nhân nhập Thục”, “Tống khách qui Ngô”, “Lao Lao đình”, “Tống Dương Sơn Nhân qui Tung Sơn”…

Trong bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, tác giả đã vẽ lên một bức tranh xuân đẹp làm nền cho cuộc chia li:

“Cố nhân tây tự Hoàng Hạc lâu

Yên hoa tam nguyệt Há Dương Châu

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”

Dịch thơ:

Bạn từ lầu hạc lên đường

Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng

Cánh buốm đã hút bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Trong bài “Tống khách qui Ngô” (Tiễn khách đi về Ngô), ta cũng thấy một bức tranh khung cảnh chia li thật đẹp:

“Giang thôn thu vũ yết

Tửu tận nhất phàm phi

Lộ lịch ba đào khứ

Gia duy tọa ngọa quy

Đảo hoa khai chước chước

Đinh liễu tế y y

Biệt lậu vô dư sự

Hoàn ưng tảo điếu ki”

Dịch thơ:

Sông thu ngớt hạt mưa tuôn

Rượu vừa cạn chén, cánh buồm xa bay

Đường đi trải mấy nước mây

Ngồi nằm ai chẳng khó thay đến nhà

Cây đồi hớn hở ra hoa

Lăn tăn lá liễu thướt tha bên ngàn

Xa nhau rồi những thanh nhàn

Thú chơi quét tấm thạch bàn ngồi câu.

Tóm lại, có thể thấy cảnh thiên nhiên trong thơ Lí Bạch chủ yếu là những khung cảnh đẹp được dựng lên để thể hiện rõ phong cách lãng mạn của ông.

THỨ HAI LÀ: THIÊN NHIÊN TRONG THƠ LÍ BẠCH LÀ HÓA THÂN CỦA CHỦ THỂ TRỮ TÌNH.

Thơ là tiếng nói của tâm hồn, biểu lộ những tình cảm, tâm tư của chủ thể trữ tình qua những hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong mỗi bài. Và khi chủ thể trữ tình và khách thể thẩm mĩ có những điểm tương đống với nhau về phẩm chất, tính cách thì chúng có thể chuyển hóa cho nhau, cùng làm sáng tỏ cho nhau. Thơ Lí Bạch cũng có hiện tượng này, là một nhà thơ lãng mạn vào bậc nhất của thi ca đương thời, đọc thơ ông, ta thấy có nhiều bài tả cảnh thiên nhiên hết sức phóng khoáng, kì vĩ, mang đậm tính lãng mạn của chính chủ thể tạo ra nó.

Tính phóng khoáng nên ông thích chọn những khách thể thẩm mĩ trong mỗi bài thơ của mình là những hình ảnh, bức tranh thiên nhiên kì vĩ, khoáng đạt, cao rộng và không bị ràng buộc, gò bó trong bất kì khuôn khổ nào.

Vì tính phóng khoáng nên ông thích hình ảnh thác nước hùng vĩ chảy mạnh mẽ từ độ cao rất cao xuống tạo nên những âm thanh sôi động, những khung cảnh hùng tráng:

“Nhật chiếu Hương lô sinh tử yên

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

(Nắng chiếu Hương lô, sinh khói tía

Xa trông thác treo trước sông này

Dòng chảy phi xuống từ trên cao ba nghìn thước

Ngỡ là Ngân Hà tuột khỏi chín tầng mây). Ông cũng rất thích miêu tả trăng và có rất nhiều bài thơ viết về trăng, bởi lẽ, trăng chính là biểu tượng của cái đẹp kiêu xa, vĩnh hằng mà bụi trần không thể làm đục, người trần không thể với tới được, và chỉ có ông, một vị “trích Tiên” về sau cuối chết vì trăng mới xứng đáng là vầng quế sáng trong giữa trần đời, làm bạn với trăng giữa thế tục. Ta có thể thấy điều đó qua các bài: “Tĩnh dạ tư”, “Nguyệt hạ độc chước”, “Nga mi sơn nguyệt ca”, “Bả tửu vấn nguyệt”, “Quan san nguyệt”, “Nguyệt hạ giang hành”,… Trong bài “Nga Mi sơn nguyệt ca”, ông viết:

“Nga Mi sơn nguyệt bán luân thu

Ảnh nhập Bình Khương giang thủy lưu

Dạ phát Thanh Khê hướng Tam Giáp

Tư quân bất kiến há Du Châu”

Dịch thơ là:

“Nga Mi trăng núi nửa vành thâu

Ánh rọi Bình Khương nước cuốn làu

Tối ở Thanh Khê trảy Tam Giáp

Nhớ nhau chẳng thấy xuống Du Châu”. Đọc bài thơ này, ta nhận thấy rõ trăng và người có sự hòa hợp với nhau, đã trở thành tri kỉ nên đi đâu cũng nhớ nhau, cũng theo nhau, cố nhân chẳng thấy cố nhân nên nhớ nhung và trách cứ nhẹ nhàng: Đang đêm đi từ Thanh Khê ra Tam Giáp, Nhớ trăng chẳng thấy (trăng) xuống Du Châu.

Cảnh thiên nhiên khoáng đạt cũng chính là những khách thể hay xuất hiện trong thơ Lí Bạch. Ta có thể thấy điều này qua rất nhiều bài thơ: “Vọng Thiên Môn sơn”, “Tảo phát Bạch Đế thành”, “Hoành giang từ”,…Trong bài “Tảo phát Bạch Đế thành” – Sáng ra đi từ thành Bạch Đế, tác giả đã tái hiện lại khung cảnh thiên nhiên rất tươi đẹp với con thuyền nhẹ nhàng không vướng bận như tâm hồn khoáng đạt không bận sự đời của ông - “khinh chu” – lướt trên sông mà đôi bờ vượn hót không dứt và con thuyền đi qua “vạn trùng san” – muôn trùng núi non – một cách hết sức thư thái:

“Triêu từ Bạch Đế thái vân gian

Thiên lí Giang Lăng nhất nhật hoàn

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú

Khinh chu dĩ quá vạn trùng san”

Dịch thơ:

Sớm từ Bạch Đế rực ngàn mây

Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày

Vượn hót ven sông nghe rỉ rả

Thuyền qua muôn núi nhẹ như bay.

CUỐI CÙNG, THIÊN NHIÊN TRONG THƠ LÍ BẠCH MANG ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG ĐẠO GIÁO.

Tư tưởng Đạo giáo thấp thoáng ẩn hiện trong nhiều bài thơ của Lí Bạch. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc những hình ảnh thiên nhiên được miêu tả trong thơ ông có sự lung linh, huyền ảo, chập chờn giữa ranh giới của cái thực và cái ảo. Thực mà ngỡ là hư, hư mà ngỡ là thực, nghi nghi hoặc hoặc giữa thực và ảo giống như trong kinh của Đạo gia có kể tích “Trang Chu mộng điệp” (Trang Chu không biết mình đã hóa thành bướm hay bướm đã hóa thành mình trong giấc mộng của chính mình). Ta sẽ nói về điều này qua hai bài thơ tiêu biểu là bài “Vọng Lư sơn bộc bố” và “Tĩnh dạ tư”.

Ở bài “Vọng Lư sơn bộc bố”, cái thực thực hư hư được thể hiện rõ qua hai câu cuối của bài:

“Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

Dịch là:

Dòng chảy phi thẳng xuống từ (trên cao) ba ngàn thước

Ngờ là dải Ngân Hà rơi (xuống) từ chín tầng mây.

Cái thực và cái hư ở đây chính là hình ảnh dòng chảy của thác nước từ trên cao xuống, cái hư ở đây chính là hình ảnh dải Ngân Hà tuột khỏi mây rơi xuống. Cảnh ở đây chính là cảnh thực nhưng được kì ảo hóa qua cái hư, sự ảnh hưởng của Đạo giáo thể hiện ở điểm này: nghi hoặc cái đang nhìn thấy (thác nước) để rồi tưởng đó là cái hư cấu (dải Ngân Hà), và biết đâu nó lại là cái hư hiện hình (Ngân Hà) thực còn cái đang thấy trước mặt lại chỉ là cái hư ? Tương tự như vậy, ở bài “Tĩnh dạ tư” sự nghi hoặc giữa cái thực và ảo được hiện thực hóa qua hình ảnh ánh trăng sáng trên đầu giường và sương trên mặt đất. Không biết là sương hay ánh trăng sáng trên đầu giường mình đang nằm:

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương”

Dịch là:

Trước giường trăng sáng tỏ

Ngờ là sương trên đất. Biết đâu đó là ánh trăng soi thật, hay biết đâu đó lại là sương gieo trên mặt đất, thật khó mà biết được. Chính sự nghi hoặc, hư hư thực thực này đã tạo nên nét đặc sắc phong cách thơ Lí Bạch.

B. THIÊN NHIÊN TRONG THƠ ĐỖ PHỦ MANG MÀU SẮC HIỆN THỰC ĐẬM NÉT.

THỨ NHẤT, THIÊN NHIÊN TRONG THƠ ĐỖ PHỦ CHỦ YẾU LÀ THIÊN NHIÊN MANG VẺ ĐẸP BÌNH DỊ, GẮN VỚI CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT.

Là một nhà thơ hiện thực, “nhà thơ của dân đen”, Đỗ Phủ không chú trọng nhiều đến miêu tả những cảnh thiên nhiên hùng tráng, lãng mạn như trong thơ Lí Bạch, mà ông thường đi vào miêu tả những khung cảnh thiên nhiên bình dị gắn với cuộc sống của nhân dân. Chính điều này tạo nên sự đặc sắc trong phong cách thơ ông. Điều này được thể hiện qua các bài: “Nhật mộ”, “Đăng cao”, “Thảo các”….

Bài “Nhật mộ” (Chiều hôm) chính là một bức tranh thiên nhiên gần gũi với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của con người đã được tác giả phác họa:

“Ngưu dương hạ lai cửu

Các dĩ bế sài môn

Phong nguyệt tự thanh dạ

Giang sơn phi cố viên

Thạch tuyền lưu ám bích

Thảo lộ trích thu căn…”

Dịch là:

Đàn trâu và dê xuống núi đã lâu

Mọi người đều đóng kín cửa sài

Đêm thanh tĩnh đầy thú gió trăng

Sông núi khác xa nơi quê cũ

Suối ghềnh đá hảy bên sườn non ẩn khuất

Hạt sương đầu cỏ rỏ xuống gốc cây mùa thu…, bài “Thảo các” (Gác tranh) cũng là một bài thơ được xây dựng bằng một bức tranh thiên nhiên bình dị, cảnh được miêu tả có chiều rộng và dài nhưng khách thể chính ở đây lại là cái gác lợp cỏ, ngôi nhà cỏ đơn sơ quen thuộc trong đời sống nhân dân hiện tại:

“Quanh ngày cửa liếp chẳng gài
Trông ra hết đất bên ngoài gác tranh
Sông đêm rồng, cá lượn quanh
Rừng thu rung động trước mành trăng sao
Sương sa đầm ướt lúc nào
Vẩn vơ mây mỏng bay cao lưng trời
Buông thuyền nhìn vợ thở dài
Nay trôi mai nổi cho phai má hồ” (bản dịch)

Ở bài “Đăng cao” (Lên cao), tính bình dị trong cảnh được miêu tả thể hiện ở chỗ, cảnh thiên nhiên được miêu tả ở đây không chứa những hình ảnh kì vũ, lạ lẫm với cuộc sống quần chúng nhân dân mà chính là những hình ảnh hết sức quen thuộc, gần gũi mà mọi người dân có thể nhìn, cảm thấy trong cuộc sống thường nhật: tiếng vượn kêu ven bờ sông, hình ảnh bến nước trong, bãi cát trắng, cánh chim bay về, hình ảnh rừng cây trút lá, hình ảnh con sông dài bất tận sóng tràn, tất cả hợp thành một bức tranh có vẻ buồn nhưng không phải không đẹp trong bài thơ này.

Cảnh thiên nhiên bình dị cũng trở lại với bài thơ “Giang bạn độc bộ tầm hoa” – Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông (bài số 6) với hình ảnh hết sức quen thuộc: hình ảnh lối đi, con đường đi mà hàng ngày con người vẫn lại qua mà thường là không ai chú ý tới, nhưng với nhà thơ thì lối đi – hình ảnh bình dị ấy lại mang một vẻ đẹp hiếm có với “ngàn đóa muôn bông” hoa làm trĩu cả cành cây:

“Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê

Thiên đóa, vạn đóa ép chi đê”

(Cạnh nhà cô Tứ hoa đầy lối

Ngàn đóa muôn bông ép trĩu cành).

Trong bài “Lạc nhật” (Mặt trời lặn), cảnh hoàng hôn hết sức quen thuộc cũng trở thành một khách thể thẩm mĩ trong thơ ông một cách tự nhiên, ông viết:

“Mặt trời đã xế ngang mành
Vẻ xuân ven suối đã thành vắng không
Vườn thơm đầy cỏ bên sông
Thuyền tiều cạnh thác bếp nồng lửa hanh
Sẻ tranh nhau lộn khỏi cành
Côn trùng khắp viện tung hoành mà bay
Rượu nồng ai cất nên mày?
Uống tàn một cuộc là bay ngàn sầu!” (bản dịch).

Đâu phải chỉ những hình ảnh kì vĩ, hoành tráng mới là đẹp trong thơ Đường, những hình ảnh bình dị, nhỏ bé cũng đủ là nên sự tuyệt mĩ đó mà. Ta còn gặp lại hình ảnh thiênnhiên bình dị trong rất nhiều bài thơ khác của ông: “Dã vọng”, “Bạc mộ”, “Nguyệt”, “Nhật mộ”, “Pháp Kính tự”,…nhưng do dung lượng hạn chế của bài nên ta chỉ điểm qua một số ví dụ tiêu biểu như vậy.

THỨ HAI, THIÊN NHIÊN TRONG THƠ ĐỖ PHỦ MANG DÁNG VẺ CỦA SỰ DỮ DỘI.

Điều này ta rất dễ thấy qua nhiều bài thơ của Đỗ Phủ: “Thu hứng” (bài 1), “Đăng cao”, “Khương thôn”, “Cù Đường lưỡng nhai”, “Phát Lang Trung”, “Long Môn các”, “Thạch Khám”, “Bạch Đế thành”…Có lẽ do sự thảm khốc của hiện thực đã khiến nhà thơ phải nhìn thẳng vào nó để phản ánh. Hiện thực ấy khiến con người ngột ngạt trong đau khổ nên nhìn thiên nhiên, tác giả cũng cảm thấy nó có gì đó rất dữ dội như muốn nuốt chửng con người, làm cho con người bị bủa vây, khó lòng thoát ra được.

Trong bài “Thu hứng”, sự dữ dội của cảnh thiên nhiên được miêu tả qua sự tang tóc của rừng phong bởi sức mạnh của sương móc “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm”, qua một loạt những chuyển động ngược chiều nhau khiến cho ta cảm thấy dường như đứng trước cảnh vật ấy, chủ thể trữ tình cảm thấy như ngột ngạt vì không gian dành cho mình quá nhỏ bé và đang bị xâm chiếm. Đó là chuyển động của dòng nước ở Vu Giáp, của những con sóng lớn ở giữa dòng sông vọt thẳng lên trời (cảnh dưới thấp, có chiều hướng vận động đi lên) và chuyển động của mây gió trên cửa ải cao theo hướng ngược lại, xuống thấp đến khi chạm vào mặt đất. Cả hai chuyển động này kết hợp với nhau thu hẹp khoảng không gian của chủ thể trữ tình đến mức như ta tưởng chủ thể sắp bị chúng làm cho nghẹt thở đến nơi. Từ đó, bài thể hiện rõ tâm trạng bế tắc, đau khổ của tác giả khi chiến tranh nổ ra.

Tương tự như vậy, ở bài “Đăng cao”, cảnh được miêu tả ở đây là cảnh dữ dội thể hiện qua sự chuyển động một cách ào ạt của rừng cây trút lá, của những con sóng bất tận trên con sông bất tận, của tiếng gió gào thét, của tiếng vượn rầu rĩ làm não dạ người tha hương.

Bài “Phát Lang Trung” (Ra khỏi Lang Trung) cũng là một bài thể hiện rõ tính chất dữ dội của thiên nhiên trong thơ Đỗ Phủ với những hình ảnh rùng rợn được xây dựng lên:

“Tiền hữu độc xà, hậu mãnh hổ

Khê hành tận nhật vô thôn ổ

Giang phong tiêu tiêu vân phất địa

Sơn mộc thảm thảm thiên dục vũ

Nữ bệnh thê ưu qui ý tốc

Thu hoa cẩm thạch thùy phục số

Biệt gia tam nguyệt nhất đắc thư

Tị địa hà thì miễn sầu khổ”

Dịch thơ:

Trước có rắn độc, sau hổ dữ
Suốt ngày lội suối không thôn ổ
Gió sông hắt hiu mây quét đất
Cây núi ảm đạm mưa muốn đổ
Con ốm vợ lo, muốn về gấp
Hoa thu đá gấm ai kể số
Xa nhà ba tháng, được một thư
Lánh nạn bao giờ khỏi sầu khổ ?

Đó là ở những bài tả những khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, có tầm vũ trụ nhưng ngay cả trong những bài viết về khung cảnh thiên nhiên bình dị chốn làng quê, cái dữ dội của cảnh được miêu tả cũng hiện hữu, ví dụ như trong bài “Hỉ vũ” (Mừng mưa) tác giả đã so sánh mặt trời với máu đỏ để làm nổi bật sự khắc nghiệt của thiên nhiên với cuộc sống của nhân dân – nạn hạn hán:

“Xuân hạn thiên địa hôn

Nhật sắc xích như huyết”

(Mùa xuân hạn hán, đất trời mù tối

Mặt trời đỏ như máu)

Tóm lại, có thể thấy tính dữ dội chính là một nét đặc điểm khá bao trùm trong sáng tác thơ của Đỗ Phủ, có lẽ do hiện thực thảm khốc là cơ sở cho việc ra đời nwhngx cảnh thiên nhiên đẹp mà rất dữ dội này trong thơ ông.

CUỐI CÙNG, THIÊN NHIÊN TRONG THƠ ĐỖ PHỦ NHUỐM MỘT MÀU SẮC BI THƯƠNG ĐẬM NÉT.

Có thể coi đây là âm hưởng chủ đạo trong xây dựng những hình ảnh thiên nhiên trong thơ Đỗ Phủ, đọc những sáng tác của ông, ta thấy âm điệu bao trùm lên tất cả cảnh thiên nhiên chủ yếu là cái buồn với nhiều khía cạnh: cái buồn tha hương (Thu hứng, Liễu biên, Mộ qui, Bạc mộ, Giang mai…), cái buồn thân phận lưu lạc (Cam Lâm, Thanh minh,Tân thu…), ốm đau bệnh tật (Đăng cao), cái buồn vì cuộc sống cơ cực, cái buồn chia li, cái buồn về cảnh chết chóc, tàn tạ trong chiến tranh (Càn Nguyên trung ngụ cư Đồng cốc huyện tác ca (Kì nhị), Đông cảnh, Đông lâu, Bi Thanh Bản,…).

Trong bài “Thu hứng” cái buồn tha hương được thể hiện rõ qua hai câu thơ luận của bài:

“Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm”

(Khóm cúc nở ra lần thứ hai dòng lệ của ngày đã qua

Con thuyền cô độc mãi còn một mối ràng buộc với nơi vườn cũ). Trong bài “Đăng cao”, nỗi đau đớn vì bệnh tật trong người và hiện thực tàn tạ, đau thương đã khiến nhà thơ cảm thấy thiên nhiên, cảnh vật như đang cố sức chèn ép, bó buộc, bóp nghẹt không gian sống của mình với những chuyển động dữ dội mà ta đã nói ở trên.

Trong bài “Thanh minh” (Kì nhị), nỗi niềm tha hương, lưu lạc nổi trôi cũng xuất hiện với những hình ảnh đầy nước mắt:

“Bút kề bên gối tay cầm trái

Thuyền buộc bên sông lệ nhỏ đôi”

Và:

“Sông núi trập trùng màu gấm vóc

Khói hoa thấp thoáng bong lâu đài

Xuân đến Động Đình hồ càng rộng

Cỏ tần bạc thương ông bạc đầu”

Bài thơ “Tân thu” (Mùa thu mới), mới nghe, ta tưởng đây là một bài thơ nhẹ nhàng, không có gì đau đớn, u buồn cả, nhưng khi đọc vào bài thơ, ta thấy có sự đối lập hẳn:

“Núi lạ lung linh tán lửa mây
Thẫn thờ chăn gối lá phong bay
Rừng xưa réo rắt thanh tiêu vọng
Nhà cũ xênh xang dập tiếng chày
Nức nở ve kêu thương nguyệt úa
Não nùng đom đóm khóc chiều ngây
Tài văn bao thuở triều cung hiến
Thở vắn đêm sương lệ ứa đầy.” (bản dịch).

Cảnh một mùa thu mới mà tàn tạ đau thương, đầy những hình ảnh đau đớn cũ, lá phong bay vơi đầy, tiếng chày đập vải giục giã kẻ xa xứ them đau lòng, tiếng ve cuối hạ còn nức nở, trăng thu thì tàn úa, đom đóm vốn là những sinh thể vô hồn mà nay cũng khóc than đau đớn,…Tất cả như đều tàn tạ, thiếu sức sống, quằn quại trong cái hiu hắt của mùa thu vốn xưa nay đã buồn. Tất cả những hình ảnh ấy được dựng lên nhằm mục đích duy nhất: chuyển tải tâm sự đau khổ của chính chủ thể trữ tình khi đang ở quê người đất khách, đang nổi trôi, lưu lạc.

Bài “Liễu biên” tả cảnh đẹp của liễu xanh tốt, báo hiệu mùa xuân về, và ở trên cành, chim yến, chim oanh ríu rít rất vui vẻ nhưng lại là một bài thơ thể hiện nỗi buồn cố hữu trong lòng tác giả - nỗi nhớ quê da diết:

“Chỉ đạo mai hoa phát

Na tri liễu diệc tân

Chi chi tổng đáo địa

Diệp diệp tự khai xuân

Tử yến thì phiên dực

Hoàng li bất lộ thân

Hán Nam ưng lão tận

Bá Thượng viễn sầu nhân”

Dịch là:

Chỉ biết hoa mai nở

Ai hay liễu cũng mừng

Cành cành rủ tới đất

Lá lá tự đón xuân

Én đỏ thì giang cánh

Oanh vàng chẳng lộ mình

Hán Nam chịu già chết

Trường An xa, người buồn



Có thể nói, nỗi buồn dường như là điều cố hữu trong lòng tác giả, chính vì vậy, ông nhìn đâu cũng thấy buồn, thấy ảo não và tàn tạ, và âm điệu bi thương như đã trở thành âm điệu chính trở đi trở lại trong rất nhiều bài thơ của ông. Có lẽ chính điều này làm nên giá trị hiện thực sâu sắc của thơ ông. Mỗi nhà thơ là người thư kí của thời đại, nhiệm vụ của họ là ghi lại một cách chân thực nhất hiện thực đương thời, hiện thực đau khổ có lẽ nào nhà thơ lại có thể vui cười, ấy là lẽ tất nhiên xưa nay ở những tác gia lớn, những con người thực sự hi sinh cho sự nghiệp biên niên này. Cũng có lẽ vì thế mà người ta gọi thơ Đỗ Phủ là “thi sử” chăng ?

III. KẾT LUẬN

Trên đây là vài nét sơ bộ, điểm qua những nét chung và riêng trong hình ảnh thiên nhiên trong thơ của hai nhà thơ bậc nhất đời Đường: Lí Bạch và Đỗ Phủ. Do nhiều lí do chủ quan và khách quan nên bài chỉ dừng lại ở một số nét sơ bộ này, bởi lẽ không có nhà thơ nổi tiếng nào lại là nhà thơ của một phong cách nhất định, mà thường là có sự đan xen của nhiều luồng phong cách khác nhau, tạo nên tính muôn màu trong sáng tác của họ, cho nên nếu có điều kiện hơn nữa thì cần phải xem xét vấn đề một cách toàn diện, phong phú hơn nữa.

Một lần nữa có thể khẳng định lại: Lí Bạch và Đỗ Phủ chính là hai phương diện khác nhau của một gương mặt tâm hồn thơ ca đương thời, đặt trong tiến trình văn học trung đại Trung Quốc nói chung, thơ ca trung đại Trung Quốc nói riêng, hai ông chính là những ngôi sao sáng không gì có thể che khuất được.





GHI CHÚ:
Các bản dịch thơ trong bài là do người viết tự dịch, có một số bài tham khảo bản dịch của Khương Hữu Dụng, Tương Như, Nhượng Tống, Hoàng Trung Thông, Tản Đà.

-----------------------------------------------
Cảm ơn bạn đã đọc bài tại:wWw.GiaoVienYenBai.7Forum.Net
https://m.facebook.com/thienthanbebong199http://xemboi.uiwap.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà rongbay
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • TOP RANK(Giao Vien Yen Bai) Thank to:© FMvi - Design by baivong